THIỀN VÀ SỰ TẠO TÁC

Thiền và sự Tạo Tác

 

Sống Thiền
Một trong các mục đích của tham thiền  là tập cho ta sống hai cảnh đời cùng một lúc - ý thức nội tâm và cảnh sống thường ngày. Chuyện diễn ra như sau. Mỗi ngày, ta nên dành mười phút nghiền ngẫm sâu xa, chìm sâu vào một ý tưởng, và giữ ý tưởng đó trong trí suốt ngày; ý sẽ nằm ở đấy lặng lẽ phát triển. Theo cách ấy người ta sống hai cảnh đời, hoạt động cùng lúc hạ trí và thượng trí, dòng tư tưởng và sinh hoạt tinh thần diễn ra có ý thức trong khi sinh hoạt bên ngoài của đời họ được diễn ra với sự hữu ích thêm lên.
Khi tham thiền ta suy nghĩ trên những cõi về trí não, ta trụ vào đó và suốt giai đoạn này não bộ ở trong tình trạng  chăm chú và lặng lẽ chờ đợi. Người chí nguyện - như thường được nói - phải làm chủ hai cách suy nghĩ cùng lúc, là duy trì việc có ấn tượng liên tục,  không ngừng sinh hoạt có liên kết với đời sống hằng ngày và việc phụng sự. Theo với thời gian não sẽ ghi nhận điều ấy. Đây là chuyện quan trọng lớn lao và đáng cho ta cố công tập luyện.
Cách gọi nữa của việc sống hai cảnh đời cùng một lúc là tập thói quen luôn sống tinh thần. Nhìn theo một cách khác, đó là việc thấm nhập năng lực khi tham thiền và tuôn rải nó cho thế giới. Họ làm việc ấy bằng cách sống tinh thần, trong thái độ và mối liên hệ của mình. Thường khi đời sống của người chí nguyện có tính ẩn kín, chìm khuất dưới bề mặt, và gần như hoàn toàn thuộc về nội tâm, không biểu lộ. Nó như hình ảnh của tảng băng sơn, theo nghĩa  hiểu biết và khả năng tinh thần của họ không có biểu lộ thực tiễn trong đời sống hằng ngày, nhưng là điều lẽ ra phải vậy.  Hiểu biết về huyền bí học không phải để khiến đời sống tinh thần của ta thành càng lúc càng lặng lẽ hơn; mục đích của nó không phải là có đời sống mang tính nội tâm hơn, và việc tập luyện khiến ta trở thành là người hướng nội, và là nhà huyền học (mystic) thuần túy. Thực ra điều ngược lại mới là chủ ý; những gì mà họ là ở cõi cao phải được thể hiện nơi cõi phàm, như vậy việc sống tinh thần trở thành công việc hằng ngày.
Ở điểm này, lối sống song đôi của đường Đạo bắt đầu và cùng lúc biểu lộ tính duy nhất của nó. Người chí nguyện thành hữu hiệu bên ngoài, tâm thức và khả năng tinh thần của họ phải hòa vào đời sống của phàm ngã đã thay đổi, cho tới khi dần dần cả hai hợp với nhau thành một.
Nếu dùng hình vẽ để diễn tả việc tham thiền thì đó là hình chữ thập, với đường thẳng đứng, chỉ sự định trí, cầu nguyện; nó cũng muốn nói việc tiếp xúc  tinh thần với cõi cao. Đường ngang chỉ việc phụng sự, là việc sử dụng và tuôn rải năng lực đến những ai cần. Hai đường hợp lại thành chữ thập đầy ý nghĩa, với đường dọc kéo dài muốn nói người chí nguyện phải đi xuống dưới tận nơi sâu thẳm của đời người để chuẩn bị khối đông cho việc đức Chúa tái hiện. Bêm trên cả hai đường hay hình chữ thập là vòng tròn chỉ phần tâm thức của họ. Vị trí đó muốn nói đời sống suy gẫm, tỉnh thức thường xuyên và đích chú tâm luôn luôn của họ thì ở trên cả hai điều này. Như thế ta có ba phần nói đến việc người trên đường Đạo có hoạt động cùng lúc ở ba mức độ, biểu lộ ngày càng nhiều ba đặc tính  thiêng liêng:
● Ý Chí, quản trị phần việc của họ trong Thiên Đoàn về công tác sắp tới trên thế giới.
● Tình Thương quản trị đời sống của họ theo chiều đứng, và cho ra sự vững vàng của hình thể,
● Trí Thông Minh, quản trị đời sống của họ theo chiều ngang, khiến họ thành người phụng sự khôn ngoan.
Người phụng sự mà tham thiền là trở thành tác nhân đích thực cho liên hệ giữa Thiên Đoàn và nhân loại. Nhiều người như thế biết sự liên hệ giữa mình và nhân loại, nhưng hoàn toàn không ý thức cái nguồn vô hình cho cảm hứng của họ. Điều ấy không quan hệ, vì nếu động lực của họ trong sạch và  có khả năng tham thiền, trí thông minh linh động, họ sẽ nhận được hứng khởi và phát triển trực giác. Điểm chính là tham thiền, nhưng không nhất thiết theo nghĩa tôn giáo mà nó muốn nói thái độ suy gẫm, có khả năng trụ tư tưởng vào điều chi có thể giúp nhân loại, và nhận biết nhu cầu của nhân loại với lòng từ. Tuy nhiên việc tham thiền phải đi kèm với sự tạo tác, bằng không nó chỉ thuần là sự thần bí mystic mà dù là không vô ích, nó vẫn không cho kết quả có tính sáng tạo.
Cũng nên nhắc lại rằng không phải chỉ có ai trên đường Đạo mới tham thiền, mà đây là tâm thức của tất cả những ai thức tỉnh ít hay nhiều, nó có nghĩa các Chân Sư, Ashram của các ngài, những bậc Cao Cả, Thiên Đoàn và Thượng Đế thảy đều  tham thiền theo cấp của mỗi Vị. Thí dụ người trong Ashram tham thiền về phần của Thiên Cơ mà họ phụ trách và phải lập tức được thực hiện; đây là bổn phận đã giao cho Ashram đó. Đi kèm với thái độ luôn suy gẫm này là việc hoàn thành trách nhiệm của đời thường, vì như đã nói, dần dần con người phát triển và có thể theo đuổi hai hay nhiều đường cùng một lúc là chuyện khả hữu. Còn với Thượng Đế thì kinh sách ghi trọn vũ trụ sắc tướng hiện hữu là do ngài tham thiền, nếu Thượng Đế ngưng thiền chỉ trong khoảnh khắc thì cả thế giới tan biến.
Ta không cần đi sâu hơn, chuyện được nêu ra chỉ muốn cho thấy rằng nếu suy xét kỹ, ta sẽ hiểu ra là có một nhịp  tham thiền vĩ đại diễn ra trong cuộc sống, mà mỗi chúng ta là một đơn vị nhỏ bé góp phần vào đó. Nhịp ấy tựa như quả tim nơi người,  nó vừa nhận vào vừa phân phối ra, ở đây là nhận năng lực, hứng khởi từ trên cao để tuôn rải cho tất cả, và có hành động mang lại lợi ích chung. Vai trò, phận sự của các Vị Nirmanakaya thường ít được nói tới nên ta biết rất ít về việc làm của các ngài. Điều có thể nói là các ngài là những nhà thần bí mystic mà làn rung động, năng lực nhận trong lúc tham thiền được truyền xuống cho nhân loại, sao cho không vi phạm chẳng những karma mà luôn cả không vi phạm điều chi chưa sẵn sàng trong không gian và thời gian; nói giản dị là những điều tốt lành mong ước không trở thành sự thật khi karma chưa cho phép
Như vậy, có một sự tham thiền to lớn ở nhiều cấp độ trên địa cầu. Mỗi đơn vị là người chí nguyện và nhóm như Ashram, Thiên Đoàn có liên hệ với nhau do có cùng động lực tinh thần, ước nguyện được nêu lên, và năng lực tinh thần nhận được là cho chung.  Khi năng lực này có thể gây ấn tượng lên các thành phần tiến bộ như khoa học gia,  các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhà cải cách xã hội, kinh tế gia, chính trị gia, thì khi ấy đức Chúa (đức Di Lặc) có thể tái hiện. Cách nói khác là tham thiền khi ấy là chuẩn bị cho việc tái hiện của ngài.

Các Nhóm Thiền
Nay ta nói thêm về ba nhóm trong số các nhóm tham thiền nói trên.
– Các Chân Sư Minh Triết. Các ngài là tác nhân gây ấn tượng cho nhân loại, là hiện thân và biểu lộ đặc tính thương yêu của ý Trời. Các ngài sử dụng, điều khiển và kiểm soát Luật Hấp Dẫn - là cái động lực khiến Luật Tiến Hóa hoạt động trong ba cõi. Các ngài làm việc bằng sự tham thiền có định hướng, và mỗi Ashram là một tâm tham thiền mà mỗi người, từ người đệ tử, đạo đồ tới bậc Chân Sư đóng góp vào đó. Đề tài tham thiền ở cấp này là Thiên Cơ vì nó tượng trưng cho Ý Trời.
– Nhóm Mới Người Phụng Sự Thế Giới đang mau lẹ trở thành một tâm lớn trong sự tham thiền trên thế giới. Phần lớn sự tham thiền của nhóm này không có tính cách huyền bí, nhưng điều ấy không quan trọng; nó dựa phần lớn vào việc suy gẫm sâu xa về các vấn đề của nhân loại, tuy rằng trong nhóm cũng có một số ít người có khuynh hướng thần bí và số nhỏ nhà huyền bí học; ước nguyện sâu xa của người đầu và sự tham thiền của người sau trợ giúp cho nhóm.
Nhóm này là phản ảnh cho sự tham thiền ở cấp những Vị Nirmanakaya, nhưng chỉ mới là học hỏi và áp dụng ở cõi trần. Nó sinh ra nhiều việc xây dựng ở các nơi trên thế giới sau thế chiến II, góp phần vào việc tái tạo và từ đó sinh ra những hoạt động khác đáp ứng theo nhu cầu thay đổi của thời đại. Tất cả những ai thành tâm phụng sự là thuộc về nhóm này và nhận hứng khởi từ Thiên Đoàn - Hierachy. Việc đáp ứng của ta với hứng khởi thiêng liêng có thể mau lẹ trở thành khuynh hướng, thói quen cả đời, và từ đó mà thành bậc Chân Sư. Mục tiêu cho sự tham thiền có tính sáng tạo này là việc tạo tác nền văn minh mới và trật tự mới trên thế giới.
– Nhân Loại. Người trong nhóm lại làm việc qua một nhóm khác nữa là những người nam và nữ thông minh trên cõi trí, biết thương yêu đồng loại mình, và những người lý tưởng muốn có một thế giới tốt đẹp hơn. Họ đáp ứng với hứng khởi về thiện chí, mong muốn giúp nhân loại cải thiện điều kiện sinh sống cho khá hơn. Những người này không cảm biết ấn tượng tinh thần trực tiếp, nhưng lời kêu gọi có tính trí thức và sự trình bầy ý tưởng thu hút họ, và họ tạo nên nhóm tích cực có tính sáng tạo, là hứng khởi sinh động cho một nhóm nữa là nhân loại.
Nói chung, con người ở đâu cũng ở trong trạng thái tham thiền vô thức, mơ mộng về những điều tốt đẹp hơn, tranh đấu cho quyền lợi vật chất mong ước, tơ tưởng về những gì nằm ngoài sở hữu vật chất hay tầm tay của mình. Tất cả những ham muốn, ao ước, mơ tưởng, viễn ảnh, mộng là ‘chất liệu’ cho việc tham thiền định tâm mà ngày kia họ sẽ biết. Chúng là kết quả đầu tiên dẫn tới thành công trong ba cõi sinh hoạt của con người, và sau cùng khiến họ nhận thức những khía cạnh cao hơn của việc tham thiền, khi sự chú tâm vào thành công vật chất và lợi lộc ở cõi trần không còn hứng thú đối với họ nữa.
Những gì mà họ đạt được nhờ chú tâm, định trí (và theo luật Karma mọi người tạo nên thế giới riêng của mình) không còn làm họ thỏa mãn; việc tham thiền của họ khi ấy hướng vào chuyện sáng tạo ra vật có giá trị cao hơn, đi vào thế giới của những giá trị tinh thần và thế giới mà ta có chữ diễn tả không đầy đủ là ‘thiên đàng’.
Nhìn như vậy thì ta thấy tất cả những gì hiện hữu là do tham thiền mà ra, bắt đầu từ ham muốn với tư tưởng bay nhẩy thoáng qua, thành suy nghĩ rõ ràng và sau hết là tư tưởng trừu tượng và siêu việt. Sự định tâm lâu dài về một hình thái này hay kia cuối cùng thành tham thiền, từ đó nó chuyển thành việc suy gẫm, chiếu quán, là nguồn của hứng khởi và soi sáng, tỏ ngộ.

Các Cấp Thiền
Dưới đây là tóm tắt những cấp của việc tham thiền dẫn tới kết quả tạo hình để ta suy gẫm. Cho bài này ta sẽ chia chúng làm bẩy cấp, trong đó bốn cấp đầu có tính cá nhân:
● Ham muốn, đưa tới việc đạt được trong ba cõi điều mà phàm nhân ước ao, mong muốn; nó sẽ gồm từ dục vọng loại thấp nhất của con người đi qua những mức trung bình và bao gồm ước nguyện của nhà thần bí.
● Kinh cầu, đây là chặng mà người chí nguyện, nhà thần bí hay ai có khuynh hướng tinh thần, hòa ước ao của phàm nhân với ước vọng của linh hồn để mong tiếp xúc được với linh hồn. Qua lời kinh, họ khám phá của năng lực tinh tế hơn và tính cách nhị nguyên của sự sống (tức sinh tử, bóng tối và ánh sáng, ta và người …), họ nhận ra mình vừa là phàm nhân mà cũng là Chân nhân.
● Suy gẫm hay định trí. Theo với thời gian điều này sinh ra sự hòa hợp và thành đạt của cái ngã trong ba cõi, sau rốt dẫn tới việc làm chủ khi suy gẫm có tính khoa học hay định trí; loại suy nghĩ này đã sinh ra mọi điều tuyệt vời có tính sáng tạo  của nền văn minh đương thời của ta, và đỉnh cao của nó là thiền định trong việc tham thiền huyền bí. Sự tham thiền này sau cùng làm tái định hướng phàm nhân và hòa hợp với Chân nhân hay linh hồn.
● Tham thiền đúng nghĩa. Đây là một tâm trí có chủ đích, tập trung và suy gẫm trụ vào một đề tài; nó có bản chất sáng tạo vì nó sinh ra ‘con người mới có Bồ đề tâm’ hay sinh ra phàm nhân hòa hợp với Chân nhân; phàm nhân này khi ấy làm việc để tái tạo lại môi trường của mình, và hợp tác có ý thức với công việc có tính sáng tạo của Thiên Đoàn.
Một điều ít được biết là tất cả những biểu lộ này của việc tham thiền hay định trí - dù là ham muốn trụ vào mục tiêu vật chất hay tình cảm, hay trụ vào mặt cao hơn là ước nguyện tinh thần được tập trung - đều chắc chắn tạo ra điều người ta ham muốn. Điều này cũng đúng cho ba chặng đầu vì chúng đều có tính thông minh và sáng tạo. Cả bốn chặng đều đã sinh ra tất cả những gì hữu hình, được sở hữu, sử dụng và biết là đã từng hiện hữu trong ba cõi. Con người đã thừa hưởng từ các nền văn minh trước và giờ tới phiên mình, nhân loại thời nay đã tạo ra nền văn minh hiện có,
Nền văn minh này độc đáo vì nó là kết quả của nhiều yếu tố hợp lại, và các yếu tố này thành công trong việc đưa nhân loại tới điểm làm họ nhận ra thất bại của mình, cùng chứng tỏ là khoa học và tôn giáo đã cùng nhau hướng con người về một thế giới có những giá trị cao hơn là chỉ thuần vật chất.
Ba cấp sau có tính nhóm:
● Thờ phượng
● Thỉnh cầu. Con người nỗ lực tạo một nền văn minh tinh thần mới.
● Thiền của Ashram
Một câu hỏi đã được nêu ra trong một bài khác nhưng đây là chỗ có thể nhắc lại, ấy là với người mới bước chân vào đường Đạo và tập tham thiền, thì việc tập thiền và sự đóng góp của họ có giá trị gì, khi chưa có nhiều hiểu biết ?
Đây là câu hỏi xứng đáng được trả lời và có giá trị khuyến khích cho người bạn mới vào. Những cấp, nấc khác nhau của hàng đạo đồ và đệ tử được sắp xếp, hầu cho kết quả của việc tham thiền của họ về Thiên Cơ, là nhiều nhu cầu của khối nhân loại đủ mọi hạng người (từ kẻ trí thức đến người lao động tay chân) đều có thể được đáp ứng thỏa đáng, và khối đông người được hướng chính xác vào đường tiến hóa.
Nhìn rộng ra thì sự tham thiền của Chân Sư về phần Thiên Cơ mà ngài có trách nhiệm, thì không hữu ích hay có tác dụng gì cho cư dân vô học trong các thành phố lớn của chúng ta, hay thôn quê hẻo lánh. Nhu cầu của khối đông người ít suy nghĩ phải do các đệ tử đáp ứng, là người có mức phát triển tinh thần kém hơn, và có lẽ đáp ứng to lớn nhất là có trợ giúp kinh tế. Công việc của những đệ tử thấp hơn này là chứng tỏ cho khối người vô minh thấy rằng theo với thời gian trôi qua, sống đời tinh thần và hiểu biết tinh thần thật sự bao gồm hết mọi mặt biểu lộ nơi cõi trần, mà không phải chỉ là những suy nghĩ có tính tôn giáo hay triết lý.
Bởi vậy tham thiền ở mọi cấp của người chí nguyện đều có chỗ dùng của nó, vì do sự tham thiền ở cấp của mình, họ có thể thích ứng Thiên Cơ với những khối đông khác biệt nhau lớn lao, và như thế Thiên Cơ có thể đi từ trên cao là Thiên Đoàn xuống tới trọn đại gia đình nhân loại.

Phần chót của bài được dành để nói riêng về hai chữ ‘tinh thần’ và ‘tham thiền’.
Chữ ‘tinh thần’ đúng nghĩa áp dụng cho tất cả những giai đoạn của kinh nghiệm sống động. ‘Tinh thần’ là điều chi nằm ngoài mức thành đạt hiện thời, biểu hiện viễn ảnh và thúc giục người tiến tới mục tiêu cao hơn mục tiêu đã đạt. Hiểu như vậy thì không có ranh giới hay phân biệt giữa ‘cái gì là người phàm và cái gì là tinh thần’, hay cái gì là vật chất cái gì không. Đây là công việc tức thì của mỗi ai đầy thiện chí ở khắp nơi, mỗi người phải xác định cho mình là họ đang đứng ở đâu, trách nhiệm tham thiền của họ là gì, và địa hạt phụng sự của họ cho nhân loại là chi. Điều này không dễ vì con người thường đầy tham vọng tinh thần, và bỏ phí thì giờ làm những điều không phải là công việc đúng của họ, vì khi làm vậy họ thỏa mãn lòng hãnh diện tinh thần của mình.
Sang chữ ‘tham thiền’ ta được dạy là nên cho nó ý nghĩa rộng rãi hơn so với cách hiểu thông thường từ trước tới nay. Định trí là một phần của sự ‘tham thiền’, mà đặt kế hoạch với sự chăm chút để lo cho ai cần, và suy nghĩ mọi cách để làm kế hoạch ấy hữu dụng, hữu hiệu cũng là tham thiền. Rồi khiến cho mình tiếp  nhận các ấn tượng tinh thần và do đó hợp tác với Thiên Đoàn, ấy là tham thiền, mà ta vẫn chưa kể loại tham thiền lớn có tính sáng tạo là tác nhân sinh ra cuộc tiến hóa, làm cho thế giới sắc tướng đi tới sự vinh quang và sự sáng hơn.
Tham thiền như vậy có nhiều cấp, nhưng kết quả luôn có tính tạo tác. Những cấp này đều dùng trí năng ít hay nhiều, đi từ hạ trí cụ thể sang thượng trí trừu tượng rồi cao hơn nữa. Các cõi sinh hoạt của phàm nhân là các thế giới của ngôi ba tức mặt vật chất, sắc tướng của thiêng liêng, và việc tạo hình tư tưởng trong những cõi này (thường do trí cụ thể sinh ra) có liên hệ với hình thể, với sự thụ đắc điều mong muốn mà phần lớn có giá trị vật chất.
Nhưng khi người ta bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng của linh hồn, và cố công làm cho mình nhậy cảm hơn với các ấn tượng tinh thần cao hơn, khi ấy việc sáng tạo của Chân nhân có thể được phát triển, và con người có thể tập một loại tham thiền có tính sáng tạo cao hơn. Nó là một cách mà mỗi người phải tự tìm ra cho mình, vì nó phải là sự biểu hiện của hiểu biết tinh thần của chính họ, khởi đầu là nỗ lực phát triển trí năng rồi dần dần chịu ảnh hưởng của ấn tượng của Ashram mà họ có thể có liên hệ.
Chuyện về tham thiền sẽ kéo dài, nó nhiều điều để học và rất hứng thú, trong số này đó là tính sáng tạo của nó, đưa ra một ý niệm mới khác với những ý thường hay được nói về thiền. Ta ngưng ở đây và tiếp tục trong một kỳ sau.

Tham khảo:
Discipleship in the New Age, vol. II, A.A. Bailey

Geese